VƯỜN TRÊN CAO TRONG NHÀ PHỐ, TẠI SAO KHÔNG?
Trong xu thế đô thị hóa, đất chật người đông và giá cả bất động sản ngày càng lên cao thì việc sở hữu một ngôi nhà có sân vườn bao quanh hay chỉ một khoảng sân vườn nhỏ cũng là điều rất khó khăn với nhiều người. Mong muốn có một khoảng xanh gần không gian sống, gần gũi với thiên nhiên do vậy khi thiết kế nhà ở các Kiến trúc sư đã khéo léo kéo những khoảng xanh ấy vào trong nhà một cách hợp lý. “Vườn trong nhà phố” chính là một sự thích ứng một cách linh hoạt để cùng tạo nên những giá trị nhất định, tích cực và thú vị trong không gian nội thất.
Khi không có đất làm vườn
Rất nhiều gia chủ ưa thích vườn, muốn có mảng xanh trong ngôi nhà cùa mình. Điều đó có thể xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, yêu màu xanh; cũng có thể là một thói quen, nhu cầu chăm chút, chăm sóc nhà cửa; cũng có thể là để tìm thấy sự cân bằng trong một không gian kiến trúc – nội thất khô cứng bởi những vật liệu công nghiệp… Và như thế vườn đã được đưa vào trong nhà phố bằng nhiều cách, ở nhiều vị trí, mang nhiều phong cách khác nhau. Với nhiều kiến trúc sư việc đưa vườn gắn liền với không gian nội thất được coi là một “thủ pháp” để làm thiết kế.
Hoàn thiện và hiệu quả thẩm mỹ cao hơn, cùng hiệu ứng tích cực về mặt khí hậu .
Vườn trong nhà xuất hiện khá nhiều trong các công trình nhà ở gia đình, như một thứ “tiêu chuẩn”, nhu cầu thiết yếu. Điều đó cũng dễ hiểu bởi mức sống càng cao thì nhu cầu về các giá trị vật chất, tinh thần cũng tăng lên. Vườn trong nhà thỏa mãn được những nhu cầu đó. Kiến trúc sư cũng thường chủ động với vấn đề này trong quá trình tư vấn thiết kế. Khi đưa vườn vào nhà, hay muốn có một mảng xanh ngay trong ngôi nhà hãy đưa ra quyết định chắc chắn, có chủ đích ngay từ ban đầu để mô hình vườn đồng bộ với cấu trúc căn nhà và có thể tồn tại lâu dài.
Vườn phải được đặt thiết kế ở nơi thông thoáng, có tiếp xúc với môi trường bên ngoài, có ánh sáng tự nhiên, có nắng trực tiếp; vườn phải tạo được những góc nhìn đẹp trong không gian… đồng thời vườn trong nhà cũng phải ở những vị trí dễ dàng tiếp cận để chăm sóc thường xuyên.
Những nơi có thể làm vườn trong nhà
Vườn trong nhà phải cần ở những nơi có ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, và có thể đón được ánh nắng. Vườn trong nhà ít nhiều có khác vườn ngoài trời đặc biệt là các điều kiện tự nhiên, vì vậy cần căn cứ vào các đặc điếm cụ thể cúa vị trí vuờn mà lựa chọn kiểu vườn cho thích hợp. Ví dụ cùng là vườn dưới giếng trời tầng trệt nhưng ở nhà 2 tầng lầu sẽ khác nhà 4 tầng lầu (giếng trời càng cao thì càng hạn chế ánh sáng ở phía dưới “đáy giếng”, ngoài ra còn phụ thuộc vào độ rộng giếng trời, giếng trời có mái, mái bằng mái hay lá hoàn toàn không có mái.
Với những khu vực trong nhà có đủ các điều kiện ánh sáng, thông thoáng như giếng trời rộng, không có mái, đủ diện tích, chiều sâu đất trồng cây… thì hoàn toàn có thể tổ chức vườn như vườn ngoại thất, với cây trồng trực tiếp. Với những vườn nằm dưới giếng trời sâu, nên chú ý khai thác ánh sáng theo phương ngang nếu điều kiện thực tế cho phép. Cùng không nhất thiết vườn là phải trồng toàn cây, có thể thiết kế và sử dụng ở một dạng khác như bể cá cảnh, thác tràn, hoặc đơn giản hơn chỉ là một dạng vườn khô để trang trí. Việc quyết định làm theo hướng nào cần đánh giá điều kiện cụ thể của vị trí vườn, các giải pháp kỹ thuật thích ứng cũng nhu khả năng vận hành, chăm sóc của người sử dụng.
Những khu vực hiên, lối ra… cũng có thể tổ chức thành vườn. Ưu điểm của những nơi này là thoáng sáng, song nhược điểm là không đủ đất để trồng cây lớn. Nên khai thác các loại cây hoa, cây leo có thế trồng trong chậu, vừa tăng thẩm mỹ, cảnh quan, vừa có tác dụng chắn nắng, chống nóng.
Sân thượng, mái là các khu vực lý tưởng để làm vườn và cũng có thể coi là vườn trong nhà vì nó nằm hoàn toàn trên diện tích xây dựng, có ưu thế diện tích rộng hơn nhiều so với các vị trí vườn khác trong nhà, lại ở trên cao nhiều nắng gió; vườn sân thượng, vườn trên mái chống nóng rất tốt, và có thể tổ chức thành những khu vườn thực sự đẹp, kết hợp với các hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí.
Hiện nay, bên cạnh kiểu vườn trải trên mặt bằng truyền thống còn có công nghệ vườn trên mặt đứng, Với một hệ thống kỹ thuật riêng biệt (cấu tạo khung, bộ phận chứa đất trồng cây, giống cây, quy trình tưới, chăm sóc…), công nghệ vườn trên mái đứng hiện đã có tại nước ta, được ứng dụng thực tế nhưng chưa rộng rãi (một phần do chi phí cao, chăm sóc phức tạp). Giải pháp này có thể đưa mảng xanh vào nhiều nơi trong công trình, Với tính linh hoạt rất cao, nhất là đối với những công trình thiếu diện tích hoặc công trình… không có vườn trong nhà, mà muốn cải tạo bổ sung mảng xanh.
Làm vườn trong nhà, được và mất, dễ mà rất khó
Cái được của vườn trong nhà phố đó là làm tăng giá trị thẩm mỹ nội thất, tao nên sự sinh động trong không gian, là điểm nhấn thú vị; góp phần tạo nên sự thân thiện đối với môi trường.
Vườn trong nhà cần sự chăm sóc chu đáo, chỉ cần một sự tác động, gây ảnh hưởng tới một thói quen, nếp sống tốt trong việc chăm sóc nhà của những thành viên trong gia đình.
Hãy cân nhắc xem mình có đủ thời gian và tình yêu đôi với cây trồng hay không để từ đó lựa chọn mô hình vườn. Với những lưu ý trên, hy vọng sẽ giúp bạn đọc tạo dựng cho mình một mảng cây xanh thân thiện, hài hòa với tổng thể bố cục căn nhà.